Từ Chính sách ra Cuộc sống: Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược đến năm 2025, tầm nhìn 2030, với những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mới. Bên cạnh những kịch bản trong chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID – 19, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp Việt Nam “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. Năm 2022 là năm đầu tiên trong chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi những giải pháp đặc biệt. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đối thoại về bức tranh tài chính Việt Nam – nguồn lực và động lực mới cho thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID – 19 tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, xu hướng toàn cầu.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã phối hợp Từ Chính sách ra Cuộc sống. Chương trình đối thoại liên quan đến nguồn lực và động lực thúc đẩy, phát triển và phục hồi kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2022-2025. Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho biết bức tranh tổng thể của ngành tài chính trong giai đoạn này là gì?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Ngành tài chính hiện nay đang đối diện với thách thức về dịch COVID-19, đồng thời đứng trước thách thức về vấn đề giá cả tăng cao, lạm phát và phục hồi kinh tế. Vậy nên để thực hiện phục hồi kinh tế mà giảm thiểu những rủi ro do khó khăn đưa lại thì phải thực hiện chính sách, điều hành chính sách tài khóa một cách linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để giữ được kinh tế vĩ mô và những cân đối lớn của nền kinh tế, và đặc biệt là kiểm soát được nợ công và bội chi ngân sách. Đây là mục tiêu đặt ra mà phải hoàn thành trong năm 2022 và 2023.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Thưa Bộ trưởng, với mục tiêu như Bộ trưởng vừa nói liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ và chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ vừa nêu ra trong thời gian qua, có thể thấy rằng Việt Nam đã có rất nhiều động thái để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, trong đó có việc giảm thuế và một số các hoạt động liên quan đến thuế, lệ phí ở các lĩnh vực các ngành. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết những hoạt động nào có thể đẩy nhanh từ chính sách ra cuộc sống, và theo mức độ đánh giá của Bộ trưởng ở góc nhìn tài chính, thì những chính sách nào của Việt Nam nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng cần được ưu tiên thúc đẩy?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Hiện nay chúng ta đang đứng trước những khó khăn, và đối diện với sự suy thoái của kinh tế Thế giới cũng như lạm phát đang còn rất cao, sự khan hiếm một số mặt hàng đẩy giá lên cao. Đây là nền kinh tế vừa trải qua đại dịch và hiện nay vẫn đang còn chống chọi với đại dịch. Vì vậy việc phục hồi kinh tế để đảm bảo cho nền kinh tế của chúng ta phát triển một cách mạnh mẽ, từ đấy chính sách tài khóa được điều hành một cách hết sức linh hoạt, và phối hợp với chính sách tiền tệ, chúng ta phải thực hiện về vấn đề thu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Góp phần hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thông qua chính sách miễn giảm. Như năm 2021, chính phủ đã miễn giảm và giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp là 129.000 tỷ; và mục tiêu đặt ra năm 2022 thì sẽ coi thực hiện miễn giảm và giảm thuế và các khoản khác là 145.000 tỷ. Vậy thì trong gói kích cầu vừa được Quốc Hội thông qua, khoảng quy mô là 350.000 tỷ, trong đó thu chi từ ngân sách là 291.000 tỷ và đã giảm thuế 64.000 tỷ. Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ là ban hành Nghị định 15 và đã thực hiện công tác giảm thuế đặc biệt là giảm thuế VAT – thuế giá trị gia tăng từ 10 % xuống còn 8 %, thực hiện các chính sách miễn giảm khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hay là thuế hộ gia đình…, thực hiện như các chính sách trước đây và giảm tiền thuê đất đến ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Còn chính sách về vấn đề đảm bảo chi ngân sách thì tập trung cho chi xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, gói hỗ trợ cho công nhân trong tiền thuê nhà, gói hỗ trợ cho các em học sinh mua máy tính bảng để học online, hay các chính sách hỗ trợ ngân hàng chính sách để ngân hàng chính sách cho các hộ nghèo và công nhân để mua nhà xã hội. Những chính sách này tập trung vào cơ sở hạ tầng và vấn đề an sinh xã hội.

Đây là những chính sách có thể nói là mang đến hiệu quả gói cầu cao nhất cho nền kinh tế, giải quyết những khó khăn và đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Lấy ví dụ như chúng ta phải phổ biến, phải tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp hiểu, đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải luôn luôn thay đổi, đổi mới, sáng tạo, tạo ra những sáng kiến tốt nhất để mang đến những công cụ quản lý tốt nhất, nhưng tạo điều kiện để cho doanh nghiệp phát triển. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được nguồn lực để đầu tư và phát triển. Chẳng hạn như về vấn đề thu ngân sách, một mặt là giảm thu thông qua giảm thuế, nhưng còn một mặt là phải tăng thu ở những lĩnh vực hay những sắc thuế lâu nay chưa thu được, hay thu ít, ví dụ như sàn thương mại điện tử, hay giao dịch xuyên biên giới hoặc là giao dịch trên thị trường chứng khoán, hay ở vấn đề chuyển giá, hay như trong vấn đề chuyển nhượng bất động sản. Đây là những lĩnh vực tiềm năng.Và muốn quản lý tốt thì phải có công cụ quản lý.

Chúng tôi đã thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử có mã. Việc phát hành hóa đơn điện tử có mã là tất cả các doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã do cơ quan thuế phát hành. Và cơ quan thuế phải xây dựng và kiểm soát chặt cơ sở dữ liệu hóa đơn có mã này. Điều đó sẽ mang đến lợi ích là số thuế tăng lên, tức là không bị giấu nguồn thu, có nghĩa là thuế VAT tăng lên và sẽ ngăn chặn được tình trạng trục lợi thông qua vấn đề như hoàn thuế giá trị gia tăng hay mua bán hóa đơn. Đồng thời việc xác minh, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra là thuận lợi nhất, kể cả việc đối chiếu của người nộp thuế với cơ quan thuế cũng thuận lợi nhất, mà nó đảm bảo cái không minh bạch nhất. Vậy nên chúng tôi triển khai mạnh mẽ việc phát hành hóa đơn điện tử có mã, chúng tôi thí điểm ở 6 tỉnh thành, chiếm khoảng 7 % tại số hóa đơn và hơn khoảng 44 tỷ hóa đơn điện tử. Vào 1/4 chúng tôi bắt đầu làm đợt 2, đợt cuối cùng, đến 1/7, cả nước thực hiện hóa đơn điện tử.

Và bước thứ hai là áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc kiểm soát hóa đơn điện tử để phát hiện ra những cái trọng yếu, những rủi ro, để phát hiện ra vấn đề trốn thuế, vấn đề gian lận thuế, hay là vấn đề trục lợi về thuế. Thì đây cũng là một công cụ để thực hiện. Hay như chúng tôi đã ban hành, khai trường cổng thông tin điện tử kê khai cho người nộp thuế. Các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài nộp thuế xuyên biên giới. Với cổng này, họ sẽ được kê khai trên nền tảng số, đồng thời họ sẽ chuyển tiền nộp thuế vào tài khoản ngoại tệ mà chúng tôi đã công khai trên cổng thông tin điện tử thu thuế, nộp thuế xuyên biên giới. Vừa khai trương xong, các tập đoàn công nghệ lớn chẳng hạn như YouTube hay Microsoft Singapore đăng ký nộp thuế. Chắc chắn đây là một khoản thuế mà lâu nay tiềm năng đang rất tốt, mà chúng ta thu được nhiều. Hay là về vấn đề tạo thuận lợi, những tiện ích thuận lợi nhất cho người nộp thuế, như các hộ gia đình hay cá nhân, thì có thể kê khai thuế và nộp thuế trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng. Thế nên chúng tôi đã triển khai trên 54 ngân hàng thương mại mà có ủy quyền dịch vụ thu thuế cho ngành thuế, thì sẽ kết nối với Kho bạc nhà nước và kết nối với cơ quan thuế. Người nộp thuế có thể vào app đấy để kê khai thuế và tự nộp thuế mà không cần phải đến kho bạc hay kho cơ quan thuế, ngân hàng. Việc nộp thuế như thế cũng sẽ rất thuận lợi.

Bước thứ ba, chúng tôi sẽ đưa ra kết nối giữa thuế cơ quan thuế với dữ liệu dân cư quốc gia do cơ quan công an xây dựng và quản lý. Chúng tôi lấy mã số định danh của dữ liệu quốc gia về dân cư làm mã số định danh thuế duy nhất. Như vậy một người mà có nhiều định danh thuế thì được xóa và chỉ sử dụng một định danh thuế duy nhất theo định danh thuế ở dữ liệu điện tử, có nghĩa là dân cư theo căn cước công dân đã được cấp. Thế nên kể cả trên cả thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ dẹp được những tài khoản ảo và tạo nên sự minh bạch, kể cả các cái tài khoản ảo trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn như mã số thuế, cũng là từ nhiều mã số thuế trở thành chỉ còn một mã số thuế. Hay ví dụ như giao dịch về bất động sản. Bất động sản ở các công ty bất động sản mua, thu tiền của dân thì phải bán đúng với giá mình đã công khai, hay là người dân bán nhà cửa, bán bất động sản thì bản thân phải kê khai đúng số giá mình đã bán để tránh gian lận, như vậy thì tạo nên sự minh bạch,và nhiều giải pháp khác nữa. Và chúng tôi tin rằng, như vậy, chúng ta sẽ tăng được nguồn thu nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp, nói cách khác là sẽ nuôi dưỡng được nguồn thu. Đồng thời chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm 10 % chi thường xuyên và đảm bảo cho việc phát huy hiệu quả của chi đầu tư xây dựng cơ bản.Với nhiều giải pháp như vậy thì có thể nói việc cân đối thu chi ngân sách cũng như đảm bảo các cái nguồn lực để đầu tư phát triển sẽ tốt hơn.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Từ những thông tin mà Bộ trưởng chia sẻ thì có thể thấy rằng, Bộ Tài chính bắt kịp và cũng đã liên kết trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông và thúc đẩy chuyển đổi số ở trong ngành, tạo nên sự thuận lợi nhất định cho người dân và thực hiện tài chính bao trùm. Trong giai đoạn COVID-19, thì cải cách thủ tục hành chính được xem như một gói cứu trợ, các lĩnh vực, các ngành đưa những giải pháp thuận tiện cho người dân khi làm việc với hành chính công. Bộ Tài chính có liên kết như thế nào để sử dụng nguồn lực của cơ sở dữ liệu quốc gia, liên thông với cổng thông tin của các ngành khác nữa, làm sao để liên kết thuận lợi hơn giữa các bộ ngành, và cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho người dân?

Chuyên gia Chính sách và Đổi mới Sáng tạo Nguyễn Thy Nga, chủ nhiệm Đề án Quốc gia Từ Chính sách ra Cuộc sống

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Hiện nay, Bộ Tài chính là bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, đứng thứ hai về vấn đề cải cách hành chính. Và chúng tôi đã tích cực đổi mới và xây dựng ngành tài chính trở thành tài chính số. Chẳng hạn như ngành hải quan, thì chúng tôi xây dựng hải quan số, hải quan thông minh; ngành Kho bạc thì chúng tôi cũng thực hiện chủ trương “ba không”, ba không là không hồ sơ giấy tờ – không giấy tờ, không tiếp xúc, và không giao dịch bằng tiền mặt. Muốn làm được chuyện đấy thì rõ ràng chúng ta phải đưa dữ liệu điện tử và số vào. Như thế quay trở lại ví dụ như ở thị trường chứng khoán cũng vậy, thị trường chứng khoán có thể nói là công nghệ thông tin phải rất phát triển và hiện đại, và không có một giờ phút, một ngày nào hay một thời khắc nào có thể dừng được. Bởi vì khi mà dừng thì sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, dừng sẽ tạo nên sự không minh bạch, và sẽ ảnh hưởng chung đến việc phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán. Cho nên chúng tôi cũng đặc biệt coi trọng, quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, mà có chuyển đổi số gắn liền với vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Thế thì những khâu trung gian, những giấy tờ không cần thiết được thay thế và đảm bảo sự minh bạch, vừa dễ làm dễ thực hiện, nhưng vừa dễ tạo nên chặt chẽ, quản lý một cách chặt chẽ nhất. Ví dụ như quay trở lại cơ quan thuế, cơ quan hải quan, thì ngoài vấn đề kết nối với dữ liệu dân cư, thì hiện nay chúng tôi đang còn đề nghị các bộ ngành hoàn thiện các dữ liệu khác để kết nối. Chẳng hạn kết nối với dữ liệu về quản lý đất đai, cấp giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất, kết nối với hệ thống công chứng để quản lý hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kết nối với cơ quan kế hoạch đầu tư để xác định giấy phép đầu tư và cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp,… Những kết nối này sẽ tạo nên một dữ liệu khổng lồ và để xử lý được dữ liệu khổng lồ này, thì mình phải đặt ra các bài toán và phải đưa trí tuệ nhân tạo vào để phân tích và quản lý theo yêu cầu của của Bộ, đảm bảo nó hiệu quả nhất. Cho nên trong thời gian tới, chúng tôi tập trung vào vấn đề cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành tài chính để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Và cái cuối cùng là không gì thay thế được con người, cho nên con người phải đảm bảo đủ năng lực, đủ trí tuệ, đủ tâm huyết và đủ sự bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Vậy có thể hiểu, những đơn vị đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo hướng công nghệ mới cũng có thể tham gia vào sân chơi của tài chính trong giai đoạn này, khi mà mục tiêu của ngành tài chính trọng tâm là chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Tôi nghĩ rằng ngành tài chính giống như động mạch chủ, là trái tim của ngành kinh tế, của nền kinh tế. Khi dòng tiền không chạy nữa, có nghĩa tất cả nó bị ngưng đọng, cho nên là gần như phải hàng ngày, hàng giờ, gần như phải liên tục đổi mới và việc quản lý phải đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả. Cho nên mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi nghề, ngành tài chính đều tham gia. Ví dụ việc phát triển doanh nghiệp, ví dụ như cổ phần hóa, hay đầu tư xây dựng cơ bản, … Rõ ràng, tất cả đều phải có một nguồn lực, tức là phải có tiền, và quản lý tiền này như thế nào. Ví dụ như ở thị trường chứng khoán, ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ tài chính và hai sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán Việt Nam phải tổ chức để đảm bảo thị trường lành mạnh. Thế thì huy động vốn để đảm bảo cho huy động vốn trên thị trường chứng khoán một cách lành mạnh, đúng đắn và hiệu quả nhất. Và kể cả như trong thị trường cổ phiếu hiện nay cũng đã huy động, chiếm đến 92 % GDP. Cộng cả thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán thì vượt trên 120 % GDP. Đây là một cái để thấy rõ ràng rằng ngành tài chính tham gia vào trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Nếu bây giờ rất được đẩy mạnh thu hút nguồn lực và động lực để phục hồi phát triển kinh tế, thì theo Bộ trưởng nguồn lực và động lực mạnh nhất là từ đâu? Và có thể thu hút như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta phải thực hiện ba đột phá như Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra, là đột phá về thể chế, đột phá về cơ sở hạ tầng, và đột phá về nguồn nhân lực. Thế thì vấn đề quyết định để thực hiện được ba đột phá này là nguồn lực, kể cả nguồn lực con người. Muốn tạo dựng lên được cách làm mới và hiệu quả, thì yếu tố con người hết sức quan trọng. Phải đồng tâm hiệp lực, phải có tầm nhìn xa, có chiến lược đúng, phải có tính quyết đoán mạnh mẽ, phải hội tụ mọi người vào mục tiêu chung và có khát vọng để phát triển, khát vọng để làm giàu, khát vọng để xây dựng đất nước, thì rõ ràng chúng ta mới tạo nên được thành tựu. Cho nên tôi nghĩ rằng chìa khóa vẫn là con người, thể chế, công nghệ. Có lẽ cả ba vấn đề này sẽ quyết định cho sự phát triển.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Vậy về tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, xu hướng toàn cầu thì ở ba miền Bắc, Trung, Nam, theo đánh giá của Bộ trưởng, tỉnh, thành, địa phương nào đang là tiêu điểm, là bài học kinh nghiệm cho cả nước?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Tôi nghĩ rằng mỗi một địa phương có điều kiện hoàn cảnh khác nhau, có một tiềm năng thế mạnh khác nhau, cho nên để phát triển được, phải huy động được tiềm năng, thế mạnh của địa phương đó phù hợp với xu thế của phát triển. Thế thì các tỉnh mà trung tâm kinh tế như chúng ta đã biết, ví dụ như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Bắc Giang, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mà chúng tôi thấy mạnh mẽ nhất trong thời gian gần đây ở phía Bắc là tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới và cũng có thể nói là hình mẫu. Khi chúng ta tạo nên được các tỉnh thành giống như một khung xương, thì chúng ta tạo nên được những đột phá, tạo nên các vùng lan tỏa, sẽ lan tỏa ra và tạo nên sự phát triển chung cho nền kinh tế đất nước.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga:

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã đối thoại Từ chính sách ra cuộc sống, đưa ra một bản kiến trúc tổng thể của ngành tài chính, và những bài học kinh nghiệm từ trung ương đến địa phương. Kính chúc Bộ trưởng sức khỏe để lãnh đạo ngành tài chính đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.

Các cuộc trao đổi chuyên sâu trong chuỗi “Chương trình đối thoại chính sách” của Chuyên gia Nguyễn Thy Nga – chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng lý luận Trung ương, công ty truyền thông Thiên Lộc về Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chương trình Đối thoại Chính sách được triển khai trên quy mô toàn quốc, bao gồm: sự kiện, hội thảo khoa học cấp Quốc gia, tọa đàm cấp cao, đối thoại Chính sách với các lãnh đạo Đảng và Chính phủ, các lãnh đạo Bộ ngành, địa phương, nhằm phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác triển khai thực hiện Chủ trương chung, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.

NGUYỄN THY NGA

Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển. Chủ nhiệm nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp theo Quyết định 844 của Thủ tướng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025.